Một buổi trưa, tôi ngồi ngắm nhìn bố trong khi mẹ đi chợ. Ông không thể đi lại được từ khi bị đột quỵ và phải hoàn toàn dựa vào người khác cho toàn bộ sinh hoạt hằng ngày của mình. Khi ông ngồi sụp xuống trên xe lăn, đầu cúi xuống, trông ông dường như thuộc về một cõi khác, buông xuôi và thất bại. Hôm nay, ông không cười, tôi tự hỏi ông đang suy nghĩ điều gì?
Đôi khi, ông quá thất vọng với chính mình và với tôi, bởi tất cả những gì ông nhìn thấy chỉ là bệnh tật của bản thân mình, còn tất cả những gì tôi vẫn nhìn thấy là sức mạnh của ông. Tôi buộc phải gợi nhắc ông về tất cả những gì ông đã làm, tôi cố gắng động viên ông làm tất cả những gì ông vẫn có thể làm được. Đó là một trận chiến của ý chí. Ông giận dữ khi tôi dỗ ngọt ông luyện tập cho đôi chân, nhưng đó chỉ là một cái giá rẻ phải trả nếu tôi có thể động viên được ông.
Và trong một nỗ lực mới, tôi lặng lẽ nói với ông, “Bố ơi, bố có nhớ ngày bố dạy con băng qua con đường lớn bằng xe đạp?”. Sự tập trung của ông bị phá vỡ, và ông nở một nụ cười nồng ấm.
Câu từ của ông líu nhíu. “Nhớ chứ,” ông tuyên bố và ngẩng đầu lên. “Con đi đến giữa đường lộ và chết trân tại đó”. Mặt ông rạng lên, mắt và miệng mỉm cười.
A, đó chính là bố tôi, tôi nghĩ. “Con nhớ là con đã quá sợ và thoái chí đến mức không thể nhúc nhích được. Bố đã đi với con từ bên này đường sang bên kia đường, hết lần này đến lần khác, cánh tay to khoẻ của bố giữ lấy con, hướng dẫn con. Bằng một giọng nói từ tốn và một nụ cười điềm tĩnh, bố nói, ‘Ổn thôi mà, con đang làm rất tốt’”. Ông gật gù và cười tươi. “Con đã làm được; Con đã sang bên kia đường được. Bố đã mở thế giới của con ra, bố đã giúp con làm tất cả những gì con có thể làm”.
Và khi chúng tôi hồi tưởng về những ngày đó, bố đã ngẩng đầu cao hơn, và chẳng bao lâu ông đã sẵn sàng để tập luyện cho đôi chân. Với một giọng nói dịu dàng và một nụ cười điềm tĩnh, tôi nói, “Ổn thôi mà, bố, bố đang làm rất tốt.”
ST