Sunday, 1 March 2009

Những bí ẩn chưa có lời giải trên thế giới p.6

Phần 6: Khả năng “thần giao cách cảm” của động vật

Vài năm trước, báo chí thi nhau đưa tin về chú chó một mình thực hiện hành trình dài 4.000km dọc theo nước Mỹ trong suốt 8 tháng để tìm người chủ đã bỏ lại nó khi chuyển đến chỗ ở mới. Các nhà khoa học hiện vẫn chưa thể giải thích một cách rõ ràng, bằng cách nào mà con chó bẹc-giê này lại có thể tìm được chủ của mình. Người ta chỉ đưa ra giả thuyết rằng, mối liên lạc thần giao cách cảm chính là “ngọn hải đăng vô tuyến điện” dẫn đường cho con chó tìm đến với chủ. Trên thực tế, nếu thống kê tỉ mỉ thì những khả năng siêu việt trên của động vật không phải là quá hiếm…

Những trường hợp kỳ lạ và các thử nghiệm đầu tiên

Tuy nhiên, những trường hợp thú vị về mối liên hệ thần giao cách cảm không chỉ xảy ra với giống chó, một loài động vật được thừa nhận là khá thông minh. Nhà văn - nhà tự nhiên học M.Zverev đã mô tả một trường hợp kỳ lạ sau. Năm 1966, một ngư dân đem bán con heo con mới một tháng tuổi. Người chủ mới nhét nó vào bao tải, đặt dưới lòng thuyền và chèo về nhà. Căn nhà của ông ta nằm phía bên kia sông, cách nhà người bán 4km phía trên thượng nguồn. Người chủ mới lên giường đi ngủ sau khi thả con heo vào nhà kho. Sáng hôm sau, ông ta ra kiểm tra con vật mới mua và hết sức ngạc nhiên khi thấy nhà kho trống trơn. Hóa ra trong suốt đêm hôm đó, con heo đã một mình bơi qua sông về mái nhà nơi nó đã sinh ra. Khi đó, người ta đã quyết định tiến hành một thử nghiệm đặc biệt với chú heo con này. Nó được chở tới một nơi xa lạ, sau đó thả ra khỏi bao tải. Và lần này, chú heo vẫn lần về được cái chuồng cũ của mình.

Một cuốn sách nghiên cứu về những khả năng đặc biệt của động vật

Một trường hợp khác được nhà văn Mỹ Dennis Bardens mô tả trong cuốn sách “Những nhà thần giao cách cảm động vật”. Có lần, một phụ nữ đứng tuổi mang tên Flinn Rachel đi dạo chơi dọc bờ biển. Bất thình lình bà bị trượt chân, ngã từ một sườn dốc cao và bị thương nặng. Chẳng bao lâu, bên cạnh người phụ nữ đang nằm đau đớn và tuyệt vọng này xuất hiện một con chim hải âu - chú chim mà bà Flinn thường lấy bánh mì cho ăn.

Chừng một phút sau, con chim lao vút lên không và bay đi đâu đó. Hóa ra, con chim bay thẳng đến nhà Rachel, đậu lên bệ cửa sổ và cố gắng mổ mạnh vào kính cửa sổ. Hành vi bất thường của con chim đã đã gây ra sự chú ý cho chị của Flinn. Khi bước ra khỏi nhà, người phụ nữ này đã lờ mờ hiểu ra, con chim muốn dẫn bà đi đâu đó. Bà nhanh chóng chạy theo con chim đến thẳng nơi xảy ra tai nạn.

Về khả năng thần giao cách cảm của động vật, mèo cũng thường xuyên được nhắc tới. Chúng được coi là giống vật có khả năng nhạy cảm và linh cảm đặc biệt. Giới nghiên cứu vẫn còn nhớ một trường hợp điển hình. Khi bộ trưởng thương mại Moris Kokanovski của Pháp bị chết trong một tai nạn máy bay vào đầu tháng 9-1928, con mèo yêu quý của ông tại Paris đúng vào thời điểm đó cũng bị những cơn đau co giật đáng sợ rồi chết. Việc mổ xác con mèo sau đó không phát hiện bất cứ một chứng bệnh nào có thể gây ra cái chết với những triệu chứng như vậy.

Khả năng thần giao cách cảm của động vật cấp thấp

Đã có những cuộc thử nghiệm với động vật cấp thấp từng được tiến hành, mà cụ thể là loài ốc sên. Sau khi xếp các chú ốc sên thành một chuỗi sao cho chúng có thể chạm vào nhau, người thử nghiệm tác động một dòng điện lên một con trong số này, ví dụ như lên phần đuôi. Khi đó, ông ta nhìn thấy con ốc cuối cùng cũng có phản ứng ở đuôi tương tự như nó cũng bị điện giật.
Nhưng điều thú vị nhất là ở chỗ, nếu như chính các con ốc sên này sau đó được tách ra và mang sang những phòng khác nhau, phản ứng tương tự của một cá thể khi một con khác bị kích thích bằng điện vẫn được duy trì như trước. Đó là thí nghiệm được tiến hành bởi Gugo Zaimann, người đã gọi các nghiên cứu của mình là “các thí nghiệm sử dụng loài động vật chậm chạp nhất với tư cách một người chạy tin hỏa tốc nhanh nhất”.

Mèo được đánh giá là loại động vật có khả năng thần giao cách cảm rất tốt
Sau Zaimann, những cuộc thử nghiệm tương tự cũng được các nhà nghiên cứu Allex và Beno của Pháp thực hiện. Họ lựa ra hai nhóm ốc sên, mỗi nhóm đều có số cá thể bằng với số chữ cái có trong bảng chữ cái của Pháp - có nghĩa là với mỗi một chữ cái sẽ có một cặp ốc sên tương tự. Mỗi một cặp này được cho tiếp xúc với nhau, nhờ đó chúng có khả năng “sao chép” những phản ứng của nhau. Sau đó, hai nhóm này được tách riêng nhau ra. Một nhóm ở lại Paris, còn nhóm kia được chuyển sang tận bờ bên kia đại dương là New York.

Khi thử nghiệm bắt đầu, người ta chọn ra một con ốc sên ở Paris tương ứng với một chữ cái nào đó và kích thích lên nó nhờ một thiết bị điện. Theo các tác giả công trình nghiên cứu trên, con ốc sên thứ hai tại New York (cùng mang một chữ cái tương tự) cũng có phản ứng như bị điện giật. Trong khi đó, toàn bộ phần còn lại của “bảng chữ cái sống” vẫn hoàn toàn bình thường. Bằng cách này, các nhà nghiên cứu có thể “gửi” các bức điện cho nhau bằng cách chọn ra những con ốc sên có chữ cái tương tự - từ các chữ cái sẽ xác định được từng từ và qua các từ xác định được một câu hoàn chỉnh…

Đáng tiếc là những cuộc thí nghiệm lý thú này về sau đã không được tiếp tục để có thể chắc chắn chứng minh, hoặc là ngược lại bác bỏ mối liên hệ thần giao cách cảm của động vật.